Quan hệ với Tống Tiêu Xước

Năm Thống Hòa thứ 4 (986), Tống Thái Tông thấy triều Liêu có hoàng thượng nhỏ tuổi và thái hậu nhiếp chính, vì thế đã phái quân Bắc phạt để thu phục Yên Vân thập lục châuThạch Kính Đường dâng cho người Khiết Đan khi xưa. Tháng 1, quân Tống phân làm 3 lộ, Đông lộ công U châu, Trung lộ công Uý châu, Tây lộ công Vân châu và Sóc châu; trong đó danh tướng Dương Nghiệp nằm trong Tây lộ. Tiêu thái hậu lệnh Da Luật Hưu Ca thủ U châu, Da Luật Tà Chẩn ngăn Trung lộ quân và Tây lộ quân của Tống, còn bà cùng Thánh Tống đến trú trát tại Đà La Khẩu (nay thuộc Bắc Kinh) ứng phó. Thoạt đầu, quân Tống giành được thắng lợi lớn, công hãm Kì Câu Quan, Cố An, Trác châu, còn Hoàn châu, Ứng châu, Sóc châu thì hàng Tống. Tuy nhiên, Tiêu thái hậu và Thánh Tống đã chi viện cho Da Luật Hưu Ca, đánh bại Đông lộ quân của đại tướng Tống là Tào Bân (曹彬), quân Tống tử thương không đếm xuể. Tháng 7, Tiêu thái hậu lại lệnh cho Da Luật Tà Chẩn phản kích Đông lộ quân và Trung lộ quân của Tống. Do Đông lộ quân thảm bại nên chiến dịch của Tống thực tế đã thất bại, Tống Thái Tống hạ lệnh toàn tuyến triệt thoái.

Tháng 9 nhuận năm Thống Hòa thứ 22 (1004), Tiêu thái hậu ra yêu sách đòi lại vùng Quan Nam mà Hậu Chu Thế Tông đã thu phục, đem quân phạt Tống. Trừ việc bị ngăn cản tại Doanh châu, quân Liêu thế như chẻ tre, đến tháng 11 thì tiến đến Thiền Uyên- cửa ngõ của kinh đô Khai Phong của Tống. Tống Chân Tông lo sợ, muốn rời đô về phương nam, song do tể tướng Khấu Chuẩn kiên trì thuyết phục, Tống Chân Tông ngự giá thân chinh đến tiền tuyến Thiền Uyên, quân Tống thấy vậy thì phấn chấn. Đại tướng tiên phong của Liêu là Tiêu Thát Lẫm (蕭撻凜) khi xem xét địa hình đốc chiến ở tiền tuyến đã bị bắn vào đầu, đến tối thì chết. Sĩ khí của quân Liêu vì thế mà suy giảm, lại có quân Tống thâm nhập nên rất mệt mỏi, ngoài ra, quân Tống còn tấn công hậu lộ của quân Liêu. Tiêu thái hậu tận dụng tâm lý muốn cầu hòa của Tống Chân Tông, cùng triều đình Tống đàm phán, ký kết Thiền Uyên chi minh, rồi cho quân triệt thoái. Sau đó, mỗi năm triều Tống mỗi năm phải nộp cho triều Liêu 10 vạn lượng bạc trắng, 20 vạn thất lụa.